Cũng đúng thôi, lãnh đạo công ty vui mừng vì đã huy động được vốn với giá rẻ bất ngờ, hơn nữa các vị này (thường nắm một số lớn cổ phiếu) cũng trở nên giàu có hơn rất nhiều. Các nhà đầu tư vui mừng vì kiếm tiền dễ quá (chính xác thì phải nói là có một số nhà đầu tư “cười nụ” để rồi sau đó một số khác sẽ “khóc thầm”). Lợi ích trước mắt quá hấp dẫn khiến mọi người dường như quên mất rằng việc cổ phiếu được đánh giá quá cao cũng tiềm ẩn những nguy cơ chết người. Một trong những nguy cơ đó chính là sự xói mòn tính minh bạch của thông tin tài chính.
Xét về bản chất cổ phiếu chỉ là một mảnh giấy hay một bút toán ghi sổ không hơn không kém. Giá trị đích thực của cổ phiếu phụ thuộc vào khả năng sinh lợi của công ty phát hành ra chúng. Khi cổ phiếu của một công ty đang bị đánh giá quá cao (overvaluation) có nghĩa là khả năng sinh lợi thực sự của công ty đó không tương xứng với giá trị thị trường của cổ phiếu. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng của công ty?
Thứ nhất, giá cổ phiếu cao đồng nghĩa với kỳ vọng cao của các nhà đầu tư về khả năng sinh lợi của công ty. Đến lượt nó, kỳ vọng cao của các nhà đầu tư sẽ tạo ra một sức ép rất lớn lên các nhà lãnh đạo công ty về việc phải tạo ra được mức lợi nhuận tương ứng nếu không muốn gánh chịu những phản ứng tiêu cực từ thị trường.
Mặt khác, bản thân các nhà lãnh đạo công ty đang nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu cũng không muốn giá cổ phiếu bị sút giảm. Sức ép lớn từ các nhà đầu tư, cộng với động cơ cá nhân như vậy khiến cho các nhà quản lý công ty khó có lựa chọn nào khác hơn là phải tìm đến những thủ thuật phù phép báo cáo tài chính nhằm làm ra vẻ như công ty đang làm ăn rất phát đạt trong khi thực tế thì không phải như vậy. Giáo sư Jensen (2004) đã môt tả điều này giống như “ép những người trung thực phải làm những việc không trung thực”. Lấy Enron làm ví dụ, giáo sư Jensen cho rằng giá trị thực của Enron chỉ khoảng 30 tỷ USD, tuy nhiên giá thị trường của Công ty thời điểm cao nhất lên tới 70 tỷ USD. Chính kỳ vọng quá lớn của thị trường đã đẩy các nhà lãnh đạo Công ty tới hành vi gian lận tài chính mà sau khi bị phát hiện đã khiến giá trị Enron nhanh chóng tụt xuống dưới 1 tỷ USD (so với giá trị thực là khoảng 30 tỷ USD) và cái đích cuối cùng là thủ tục phá sản.
Ví dụ này cho thấy tác hại của overvaluation có thể lớn đến mức nào. Tuy nhiên, ngay cả khi tình hình enron2.jpgkhông đến mức nghiêm trọng như Enron thì việc phù phép báo cáo tài chính nhằm che giấu giá trị thực của công ty cũng sẽ mang lại những hậu quả rất không tốt về lâu dài cho các nhà đầu tư cũng như chính các vị lãnh đạo công ty. Khi thông tin tài chính không minh bạch, các nhà đầu tư sẽ có nguy cơ đưa ra những quyết định sai lầm. Ngoài ra, trong một số trường hợp nỗ lực phù phép lợi nhuận trong ngắn hạn đòi hỏi các nhà lãnh đạo công ty phải đưa ra những quyết định hy sinh lợi ích dài hạn của công ty (chính là lợi ích của các cổ đông).
Dưới đây là một số biện pháp phù phép báo cáo tài chính thường gặp trong các doanh nghiệp Mỹ theo kết quả nghiên cứu của Nelson, Elliott, Tarpley (2003) và Roychowdhury (2005). Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của người viết thì các thủ thuật này cũng chẳng mấy xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam (bài viết này chỉ để cập tới các thủ thuật hợp pháp và “tuân thủ” theo các chuẩn mực Kế toán. Các hành vi vi phạm pháp luật như cố tình tạo doanh thu khống hay tạo ra các giao dịch ảo không thuộc phạm vi bài viết này).
Phù phép lợi nhuận thông qua các ước tính kế toán (Accrual earnings management)
Trong quy trình lập báo cáo tài chính các công ty thường phải sử dụng rất nhiều các ước tính kế toán. Giá trị các ước tính này thường có ảnh hưởng trực tiếp tới mức lợi nhuận trong kỳ của công ty. Vì là các ước tính nên không thể có một tiêu chuẩn chính xác về giá trị các khoản mục này. Chính vì vậy, các công ty thường sử dụng các ước tính kế toán như là một công cụ đắc lực để phù phép lợi nhuận. Một số thủ thuật nhằm phù phép tăng lợi nhuận thường gặp bao gồm: giảm mức khấu hao, giảm mức dự phòng giảm giá hàng tồn kho, giảm dự phòng phải thu khó đòi, không ghi nhận chi phí khi tài sản bị giảm giá xuống dưới giá trị thuần, vốn hoá các khoản chi phí không đủ điều kiện vốn hoá…
Các thủ thuật phù phép lợi nhuận dựa trên các ước tính kế toán nêu trên thực chất không làm tăng thêm lợi nhuận mà chỉ đơn thuần chuyển lợi nhuận từ các kỳ sau về kỳ hiện tại nhằm tạo ra ảo tưởng rằng công ty đang làm ăn phát đạt. Hậu quả tất yếu là lợi nhuận các năm sau sẽ bị giảm sút. Để tiếp tục đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của thị trường thì báo cáo tài chính các năm tiếp theo cũng sẽ phải được phù phép. Tuy nhiên, càng về sau thì số lợi nhuận cần phù phép càng lớn khiến cho việc sử dụng các ước tính kế toán cũng trở nên vô hiệu, đến khi không thể che dấu được tình hình nữa thì khủng hoảng là điều khó tránh khỏi, và hậu quả khi đó sẽ vô cùng tai hại. Ví dụ về Enron ở trên cho thấy một khi khủng hoảng xảy ra, công ty sẽ không chỉ đơn thuần trở về với giá trị thực của nó mà có nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Phù phép báo cáo tài chính thông qua các giao dịch thực (Real earnings management)
Ngoài việc sử dụng các ước tính kế toán như trên, các công ty còn có thể phù phép lợi nhuận của mình thông qua việc dàn xếp một số giao dịch nhằm tăng lợi nhuận trong năm hiện tại, mặc dù các giao dịch đó có thể không có lợi cho công ty về lâu dài. Dưới đây là một số ví dụ điển hình.
Thổi doanh thu thông qua chính sách giá và chính sách tín dụng
Biện pháp thông thường mà các doanh nghiệp sử dụng để tăng lợi nhuận khi nhận thấy nguy cơ không đạt kế hoạch lợi nhuận dự tính là giảm giá bán hoặc nới lỏng các điều kiện tín dụng nhằm tăng sản lượng hàng bán ra trong những tháng cuối năm tài chính. Biện pháp thứ hai cũng thường được sử dụng đối với những công ty cung cấp các mặt hàng sử dụng lâu dài là công bố kế hoạch tăng giá bán đầu năm sau. Ví dụ, để tăng lợi nhuận trong quý 4 năm 2007, một công ty sản xuất ô tô có thể công bố kế hoạch tăng giá bán từ quý 1 năm 2008, lập tức doanh thu quý 4 năm 2007 sẽ tăng vọt. Mặc dù hai biện pháp này cho phép công ty thổi lợi nhuận năm hiện tại, lợi nhuận các năm sau sẽ bị giảm vì thực chất công ty đã chuyển lợi nhuận của năm sau sang năm hiện tại. Biện pháp tăng giá bán năm sau thậm chí còn có tác động tiêu cực hơn vì việc tăng giá có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường.
Cắt giảm chi phí hữu ích
Biện pháp thứ hai thường được sử dụng để tăng lợi nhuận là cắt giảm các khoản chi phí hữu ích như chi phí nghiên cứu phát triển (R&D), chi phí quảng cáo, chi phí duy tu bảo dưỡng thiết bị. Các chi phí này có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của công ty trong dài hạn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn ban lãnh đạo công ty có thể sẽ chọn giải pháp cắt giảm các chí phí này, đồng nghĩa với việc hy sinh các khoản lợi nhuận tiềm năng lớn trong tương lai.
Trì hoãn việc thanh lý tài sản không có nhu cầu sử dụng hoặc các khoản đầu tư không hiệu quả
Đây là các tài sản doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng nữa hoặc các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả kinh tế. Đối với các tài sản và các khoản đầu tư này giải pháp tối ưu là thanh lý càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, việc thanh lý các tài sản này thường đi kèm một khoản lỗ cho công ty trong năm hiện tại. Do đó, nếu lợi nhuận năm hiện tại có nguy cơ không đạt được mức kỳ vọng của thị trường thì lãnh đạo công ty có thể sẽ không muốn thanh lý chúng, dù rằng việc trì hoãn này sẽ mang lại nhiều thiệt hại cho công ty. Ví dụ, chậm thanh lý các tài sản không có nhu cầu sử dụng sẽ làm phát sinh chi phí bảo quản, cản trở không gian sản xuất. Đồng thời, với các tài sản và các khoản đầu tư không hiệu quả thì càng nắm giữ chúng lâu doanh nghiệp càng lỗ nhiều hơn.
Bán các khoản đầu tư có hiệu quả cao
Ngược với việc trì hoãn thanh lý các khoản đầu tư không hiệu quả, công ty có thể bán các khoản đầu tư đang có lãi nhằm tăng thêm mức lợi nhuận cho năm hiện tại (hành động này thường được ví với việc “gặt lúa non”). Áp dụng biện pháp này cũng đồng nghĩa với việc công ty tự nguyện bỏ qua tiềm năng sinh lợi lớn từ các khoản đầu tư này trong các năm tiếp theo.
Sản xuất quá mức công suất tối ưu
Trong điều kiện thông thường, mỗi doanh nghiệp thường xác định cho mình một mức công suất sản xuất tối ưu, tùy thuộc vào năng lực nội tại cũng như điều kiện thị trường. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết phải thổi lợi nhuận, lãnh đạo công ty có thể sẽ quyết định sản xuất với mức cao hơn công suất tối ưu. Điều này cho phép công ty giảm giá thành đơn vị sản phẩm (nhờ tận dụng chi phí cố định), qua đó tăng lợi nhuận trong năm hiện tại. Tuy nhiên, mặt trái của việc làm này là máy móc thiết bị phải làm việc với công suất cao hơn mức tối ưu, ảnh hưởng tiêu cực tới năng suất và độ bền của thiết bị. Đồng thời, sản phẩm làm ra nhiều không bán được sẽ làm phát sinh chi phí bảo quản. Hàng tồn kho lâu ngày dẫn tới giảm giá trị. Các chi phí này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của công ty trong các năm tiếp theo.
Có thể thấy rằng cả hai biện pháp phù phép báo cáo tài chính (dựa trên các ước tính kế toán hay các giao dịch thực) về bản chất chỉ là chuyển lợi nhuận từ các năm sau sang năm hiện tại. Điểm khác biệt là ở chỗ trong khi sử dụng các ước tính kế toán không làm thay đổi khả năng sinh lợi đích thực của doanh nghiệp thì việc sử dụng các giao dịch thực để phù phép lợi nhuận sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng sinh lợi của công ty trong dài hạn như phân tích ở trên. Xét về mặt này thì sử dụng các ước tính kế toán thường được ưa thích hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp sử dụng ước tính kế toán có thể không đủ giúp doanh nghiệp đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng. Mặt khác, việc lạm dụng các ước tính kế toán có thể sẽ gặp phải trở ngại từ phía các các kiểm toán viên. Trong các trường hợp đó doanh nghiệp có thể buộc phải sử dụng các giao dịch thực nhằm phù phép lợi nhuận (kiểm toán viên dù phát hiện ra hành vi phù phép lợi nhuận dạng này nhưng vì doanh nghiệp không làm gì trái luật nên cũng không thể yêu cầu điều chỉnh).
Tóm lại, khi cổ phiếu của một doanh nghiệp được (hay “bị”?) đánh giá quá cao so với giá trị thực trong một thời gian dài thì nguy cơ dẫn tới tình trạng thông tin tài chính không minh bạch là rất lớn. Hai biện pháp chính thường được các doanh nghiệp sử dụng để phù phép báo cáo tài chính là lạm dụng các ước tính kế toán hoặc thông qua các giao dịch thực. Cho dù áp dụng biện pháp phù phép nào thì về lâu dài cũng đều không có lợi cho cổ đông cũng như cho chính các vị lãnh đạo công ty. Xét trên phạm vi toàn xã hội thì hậu quả còn nặng nề hơn nữa vì bê bối tài chính liên quan tới một công ty không chỉ ảnh hưởng tới riêng công ty đó mà thường dẫn tới xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư đối với toàn bộ thị trường. Để ngăn ngừa những tác động tiêu cực của overvaluation, giải pháp tối ưu vẫn là các doanh nghiệp cần có ý thức cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch cho các nhà đầu tư. Về phần mình, các nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo hơn để không đẩy mọi việc đi quá xa ngoài tầm kiểm soát. Nói thì đơn giản vậy nhưng không phải ai cũng đồng tình, vì lợi ích ngắn hạn của overvaluation nhiều khi quá hấp dẫn. Xin mượn lời giáo sư Jensen thay cho lời kết: “overvaluation cũng giống như một loại heroin vậy, nó mang lại cho ta cảm giác lâng lâng lúc ban đầu nhưng không lâu sau đó sẽ là những nỗi đau khôn cùng" (Jensen, 2004).
Trần Đức Nam
(VACO)
Tài liệu tham khảo
Jensen, M.C., 2004, The agency costs of overvalued equity and the current state of corporate finance, European Financial Management 10 (4): 549-565
Nelson, M.W., J.A. Elliott, and R.L. Tarpley, 2003, How are earnings managed ? Examples from auditors, Accounting Horizons (Supplement): 17-35
Roychowdhury, S., 2005, Earnings management through real activities manipulation, Journal of Accountings and Economics 42: 335-370