Khách hàng doanh nghiệp

Các Chỉ Số Được Sử Dụng Để Phân Tích Đầu Tư Các Chỉ Số Được Sử Dụng Để Phân Tích Đầu Tư

Các Chỉ Số Được Sử Dụng Để Phân Tích Đầu Tư

Chỉ số là công cụ rất hữu ích trong đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm thà phó mặc quyết định của họ cho số phận còn hơn là dựa vào các chỉ số tài chính “đáng sợ”.

Sự thật là các chỉ số này không hề đáng sợ ngay cả khi mà bạn không có tí hiểu biết gì về kinh doanh và tài chính. Chỉ cần biết cách sử dụng, các chỉ số tài chính sẽ giúp ích rất nhiều trong quyết định đầu tư của bạn. Các chỉ số tài chính được chia làm 4 nhóm chính: chỉ số lợi nhuận, hệ số thanh khoản, chỉ số khả năng trả nợ và chỉ số định giá. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu từng nhóm chỉ số một và đưa ra các ví dụ minh họa về cách sử dụng chúng.

Chỉ số lợi nhuận

Khả năng sinh lời là thông tin cốt yếu cần phân tích khi xem xét đầu tư vào một công ty. Bởi vì doanh thu cao chưa chắc rằng nhà đầu tư sẽ nhận được cổ tức (hay giá cổ phiếu tăng) trừ khi công ty có thể trả tất cả các khoản chi phí.

Chỉ số lợi nhuận cho biết khả năng làm ăn có lãi của công ty và cụ thể hơn lợi nhuận kiếm được đó xuất phát từ đâu.

Hệ số biên lợi nhuận là chỉ số quan trọng trong nhóm này.

Biên lợi nhuận được tính bằng công thức sau: Biên lợi nhuận  = Lợi nhuận ròng/ Doanh thu

Thông thường, biên lợi nhuận cao sẽ tốt hơn nhưng chỉ xem xét chỉ số này thôi thì không đủ để đi đến quyết định. Hãy so sánh chỉ số này với dữ liệu quá khứ, mức trung bình thị trường và của đối thủ cạnh tranh.

Khi biên lợi nhuận của công ty giảm qua các năm thì đó sẽ là tín hiệu cảnh báo cho bạn. Biên lợi nhuận giảm có thể do điều kiện thị trường, chi phí tăng hay mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Khi biên lợi nhuận của công ty khác biệt quá nhiều so với các doanh nghiệp khác trong ngành, hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân.

Khi một công ty có biên lợi nhuận cực thấp thì nó sẽ gặp nguy hiểm trong trường hợp các điều kiện thị trường biến đổi. Ngược lại, một công ty có biên lợi nhuận cao chứng tỏ nó có một lợi thế nhất định nào đó so với các đối thủ khác, tuy nhiên lợi thế này có thể không tồn tại lâu dài.

Các chỉ số đo lợi nhuận khác bao gồm hệ số biên lợi nhuận hoạt động và biên lợi nhuận gộp.

Hệ số thanh khoản

Thanh khoản là khả năng nhanh chóng chuyển đổi tài sản thành tiền mặt để phục vụ chi tiêu. Hệ số thanh khoản đánh giá khả năng công ty có thể gom tiền mặt để mua tài sản hay trả nợ cho chủ nợ trong trường hợp khẩn cấp hay trong hoạt động thường ngày.

Hệ số vòng quay các khoản phải thu đánh giá khả năng thu hồi khoản bán chịu của công ty. Hệ số này được tính bằng công thức sau:

Hệ số vòng quay khoản phải thu = (Doanh số bán chịu ròng)/ (Trung bình giá trị khoản phải thu)

Hệ số này phản ánh số lần trong kỳ các khoản phải thu được chuyển thành tiền mặt. Nếu bạn lấy kết quả chia cho 365 ngày thì sẽ cho ra thời gian mà công ty cần để thu hồi khoản phải thu hay số ngày mà công ty bán chịu cho khách hàng trước khi thu được tiền mặt.

Hệ số vòng quay các khoản phải thu càng lớn chứng tỏ tốc độ thu hồi nợ của công ty càng nhanh, và ngược lại hệ số thấp có nghĩa là khách hàng không trả nợ đúng hạn. Như hầu hết các chỉ số khác, hệ số quay vòng khoản phải thu sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi không so sánh giữa các công ty trong ngành với nhau.

Các chỉ số đo thanh khoản khác còn bao gồm chỉ số vòng quay vốn lưu động, chỉ số vòng quay hàng tồn kho và  hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn.

Hệ số thanh toán nợ

Hệ số thanh toán nợ cho thấy khả năng đáp ứng các khoản nợ dài hạn và phát triển tài sản tương lai của công ty. Một công ty nợ chồng chất không phải là lựa chọn đầu tư tốt so với một công ty vay ít nợ.

Tỉ lệ tổng nợ trên tổng tài sản xác định lượng tài sản của công ty được mua bằng nợ.

Công thức tính như sau: Tổng nợ trên tổng tài sản =(Nợ ngắn hạn + Nợ dài hạn)/ (Tổng tài sản)

Khi sử dụng tỉ lệ này để đánh giá công ty, cần chú ý đến đặc điểm của công ty và so sánh trong ngành đang xét. Hoàn toàn có xảy ra trường hợp một công ty mới thành lập có tỉ lệ nợ trên tổng tài sản xấp xỉ 1 (phần lớn tài sản được mua từ vay nợ), bởi vì công ty vẫn chưa có đủ cơ hội trả được hết nợ.

Theo quy tắc chung, hệ số này gần 0 sẽ tốt hơn, bởi vì tài sản được mua không phải bằng nợ. Hãy nhớ rằng, chủ nợ luôn được ưu tiên thanh toán khi công ty thanh lý tài sản. Nhưng cũng phải tùy thuộc vào đặc trưng của từng ngành. Với những ngành đòi hỏi vốn lớn thì tỉ lệ nợ cao là đương nhiên.

Một vài hệ số thanh toán nợ khác bao gồm: khả năng thanh toán lãi vay (TIE) và dòng tiền tự do (FCF).

Chỉ số định giá

Chỉ số định giá xác định mức độ hấp dẫn của một công ty đối với các nhà đầu tư. Sử dụng các chỉ số này, nhà đầu tư có thể hiểu được giá cổ phiếu hiện tại của công ty đắt hơn hay rẻ hơn so với các chỉ số khác. Thông thường, mã cổ phiếu càng rẻ sẽ càng hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tỉ lệ giá/thu nhập (P/E) là chỉ số định giá thông dụng nhất dùng để so sánh giá cổ phiếu với lợi nhuận trên một cổ phiếu. P/E thể hiện kì vọng của nhà đầu tư về thu nhập tương lai mà công ty mang lại. Thị trường sẵn sàng trả giá cao cho cổ phiếu có thu nhập kì vọng cao.

Chỉ số P/E được tính như sau: P/E = Thị giá mỗi cổ phiếu/Thu nhập trên mỗi cổ phiếu

P/E của một công ty có thể được sử dụng để so sánh chính nó trong quá khứ, với các đối thủ trong cùng ngành và với trung bình thị trường. Về cơ bản, hệ số chỉ ra số tiền mà nhà đầu tư sẵn sàng trả cho $1 thu nhập mà công ty tạo ra. Hệ số càng cao chứng tỏ nhà đầu tư càng sẵn lòng chi nhiều tiền hơn. Nhưng đừng nhầm lẫn rằng P/E cao tức là cổ phiếu đang được định giá quá cao. Các ngành khác nhau sẽ có tỉ lệ P/E khác nhau, vì vậy P/E chỉ nên dùng để so sánh các công ty hoạt động cùng ngành.

Một vài chỉ số định giá khác là: giá/giá sổ sách (P/B), giá/doanh thu (P/S) và giá/dòng tiền (P/CF).

Những điều bạn cần biết.

Các chỉ số được dùng để so sánh giữa các doanh nghiệp hoạt động cùng ngành hay so sánh với quá khứ để thấy sự tăng trưởng. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, so sánh phải hợp lí. Một công ty sản xuất vải dệt và một công ty sản xuất phần mềm không thể có P/E và chỉ số lợi nhuận như nhau được bởi vì chúng có phân khúc thị trường khác nhau. Và việc so sánh như vậy cũng không giúp ích gì trong quyết định đầu tư của bạn.

Mỗi ngành nghề lại có quy mô khác nhau vì vậy không thể dùng thước đo của một ngành áp dụng cho một ngành khác và mong rằng kết quả giống nhau nghĩa là chúng hoàn toàn tương đồng. Điều này hoàn toàn không đúng!

Kết luận

Các chỉ số không khó để tính vì mọi thông tin đều có thể tìm được trong báo cáo tài chính của công ty (Thường có ở trên các website của các công ty hoặc các website về cổ phiếu khác). Điều quan trọng là bạn phải nhìn ra ý nghĩa ẩn sau những con số đó.

Nguồn Internet

Read 31131 times
Rate this item
(0 votes)
Super User

Chúng tôi tin rằng CFO là một nghề mang tính chuyên nghiệp.

Website: clevercfo.edu.vn

Liên hệ

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH CLEVERCFO

Tòa nhà TF, 408 Điện Biên Phủ, Quận 10, Tp.HCM - Tel: 0903.110.120

Hotline: 0916 022 247 - Email: lienhe@clevercfo.edu.vn

JoomShaper